TĂNG HUYẾT ÁP- “TÊN GIẾT NGƯỜI THẦM LẶNG”, CÁCH HỖ TRỢ VÀ CHĂM SÓC BẰNG DIỆN CHẨN
Tăng huyết áp là một vấn đề về sức khỏe phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là ở người lớn tuổi, người béo phì, thừa cân, hay những người có vấn đề khác về sức khỏe như tiểu đường, mỡ máu cao, hoặc đôi khi là do di truyền. Đây là một vấn đề sức khỏe với nhiều biến chứng nghiêm trọng và được các nhà tim mạch học gọi đó là: “Tên giết người thầm lặng”. Việc phòng và chăm sóc sức khỏe cho người cao huyết áp kịp thời và hợp lý sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho con người.
* Một số biến chứng nguy hiểm của cao huyết áp
– Đối với não
Cao huyết áp dễ dẫn tới tình trạng Tai biến mạch máu não với các dạng như: Xuất huyết não, màng não, nhồi máu não (nhũn não) và được biểu hiện ra bên ngoài bằng đột quị, liệt toàn thân, liệt nửa người, nói khó hoặc có thể hôn mê. Ngoài ra, có thể xuất hiện thoáng qua những cơn mờ mắt rồi suy giảm thị lực (xuất huyết, phù nề gai thị…)
– Đối với tim
Khi bị cao huyết áp tức là lực tác động của máu lên thành động mạch tăng lên. Nếu áp lực của máu quá cao tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn (tăng công cơ tim) để đáp ứng lượng máu cần cung cấp và đủ máu bơm đi nuôi cơ thể, lâu dần sẽ sinh ra suy tim. Huyết áp cao tác động lên mạch vành tim xúc tiến quá trình xơ vữa động mạch, tai biến mạch vành làm nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là một biến chứng nặng của tăng huyết áp diễn ra ở tim.
– Đối với thận
Cao huyết áp làm cho các động mạch thận bị xơ hóa, thận bị xơ, lâu dần dẫn đến suy thận.
* Một số biểu hiện của tăng huyết áp
– Đau đầu: Triệu chứng đau đầu sẽ không xuất hiện ở trong trường hợp huyết áp của bạn chỉ tăng nhẹ. Chỉ khi bệnh cao huyết áp đã trở nên ác tính, thì lúc đó mới thấy xuất hiện những cơn đau đầu. Chứng đau đầu điển hình cho tăng huyết áp là đau đầu ở vùng chẩm, đau đầu có tính chất giật theo nhịp mạch đập. Đau đầu là một biểu hiện của tăng huyết áp nhưng không đồng nghĩa với việc cứ đau đầu là bị tăng huyết áp. Chúng ta tránh nhầm lẫn triệu chứng đau đầu của tăng huyết áp với các triệu chứng đau đầu khác liên quan đến thần kinh, tai – mũi – họng và các vấn đề liên quan đến mắt (tăng nhãn áp..)… Vì thế đo huyết áp vẫn là biện pháp cơ bản để phát hiện tăng huyết áp.
– Một số biểu hiện ra bên ngoài có thể là: cứng và mỏi cổ, gáy, nhức thái dương, nổi gân thái dương và gân trán, chóng mặt, tê cứng chân tay, mệt tim. Mắt nóng, khó ngủ, căng đầu, nhức đỉnh đầu, mạch cổ căng cứng đập mạnh, đánh trống ngực, khó thở, đau vùng tim. Bệnh nặng thì có cơn thở gấp, nghẹt thở, nhịp tim không đều.
Nếu dò bằng que dò Diện Chẩn sẽ thấy ấn đau ở các huyệt
26 – 65 – 51 – 3 – 188 – 173 – 143 – 85 – 87 – 51 – 39 – 60(bên trái) – 300 -0(bên trái) – 14 – 15 – 16 – 180 – 100 – 57
* Nguyên nhân dẫn tới tăng huyết áp
– Chế độ sinh hoạt chưa hợp lý: làm việc đầu óc căng thẳng, không biết cách thư giãn, không biết cách sắp xếp công việc, tress, có thói quen tắm đêm bằng nước lạnh, đêm nằm ngủ để điều hòa, quạt máy…
– Thói quen ăn uống không điều độ: hay ăn những thức ăn quá mặn, quá ngọt, quá lên men, thức ăn và đồ uống có nhiều chất kích thích như: cà phê, rượu, trà… đồ ăn nhiều mỡ, ăn quá no.
– Thay đổi môi trường sống đột ngột đặc biệt là thay đổi thời tiết cũng là một nguyên nhân dẫn tới tăng huyết áp.
VD: Ở miền Bắc, những cơn gió mùa đông Bắc tràn về vào mùa đông làm nhiệt độ nóng lạnh thay đổi đột ngột dẫn tới số người bị tăng huyêt áp và tai biến mạch máu não tăng cao hơn rất nhiều so với miền Nam không chịu ảnh hưởng của gió mùa đông Bắc.
– Người có tiền sử tim mạch, tiểu đường, béo phì cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp.
* Hỗ trợ bằng Diện Chẩn :
+ Đánh 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết bằng cây sao chổi đầu âm
+ Vuốt bằng tay hay que cào từ giữa 2 đầu mày (vùng ấn đường) ra vùng thái dương và xuống đến Sơn căn (điểm hõm sâu nhất trên sống mũi) (tránh: vuốt mạnh và đụng đầu mũi sẽ phản tác dụng) trong vòng 3-5 phút.
+ Luân phiên Day Ấn nhẹ bằng QUE DÒ các huyệt 14-15-16-180-61-3-39-87-51
+ Dùng búa gõ nhỏ các huyệt 85-87 một cách đều đặn nhẹ nhàng và liên tục.
* Cách phòng ngừa tăng huyết áp
– Kiêng: ăn quá mặn, quá ngọt, đồ ăn quá nhiều tinh bột, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, mỡ động vật. Tránh nếp sống vội vàng, lo lắng, cãi vã, lười vận động… Đặc biệt là kiêng cữ để giảm cân. Tránh đi chơi thể thao rồi về tắm nước lạnh, tắm tối bằng nước lạnh, ngủ ban đêm dưới quạt máy, sáng sớm ngủ dậy ra ngoài sân tập luyện ngay.
– Nên: Có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ, dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật. Thực hiện nề nếp sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý. Thường xuyên thực hiện 12 động tác xoa mặt, xoay cổ tay và chà mặt bằng khăn ấm buổi sáng mỗi ngày. Nếu có thể thì nên rèn luyện thân thể như vận động, đi bộ, chạy chậm và đều nhưng không quá sức để giảm và duy trì cân nặng hợp lý.
Một lối sống điều hòa, quân bình là biện pháp tốt nhất để phòng tránh Tăng huyết áp.
Nguồn: GS.TSKH Bùi Quốc Châu. Dienchan.com
GS.BS Nguyễn Huy Dung (1994). Cao huyết áp, tên sát nhân thầm lặng, NXB Trẻ
Nhận Xét